Hoài niệm tiếng rao xưa của cộng đồng người Hoa ở Mỹ Tho


Mỹ Tho ngày xưa - Ảnh: Tư liệu
        Ta thử lần dấu trở về Mỹ Tho trăm năm trước để xem người Hoa bình thường chung sống với  ta như thế nào. Họ đã hòa mình trong cộng
đồng Việt Nam một cách thân thiện và cũng đã được người Việt chúng ta tiếp đón cởi mở rộng  lòng.

 
1.- Tào phộng dzang hộc dzưa…
    Cứ mỗi chiều gần chạng vạng, trời nắng hay  trời mưa, trời lạnh hay trời nóng, năm nầy qua  tháng nọ, một lời rao trầm trầm, đều đều, buồn  buồn không lên không xuống vang vang như kêu gọi như mời mọc như  van lơn Tào phộng dzang, hộc dzưaa, hộc biii..lâyyy…
    Câu rao nầy cách khoảng câu rao kia dường như rất đúng trường  canh, với một giai điệu trầm lắng vời vợi. Nếu có những khoảng cách  nhau khá xa, từ trong nhà, người nghe có thể đoán được là món hàng rao  bán nầy đang có khách gọi đến mua. Tiếng rao nhỏ dần, nhỏ dần cho đến  khi người của góc phố không còn nghe được nữa.
    Nhưng như một chu kỳ qui ước, nửa giờ sau là tiếng rao đó lại bắt đầu nổi lên văng vẳng, rồi lớn lên từ từ… nhưng từ một chiều ngược lại  của con đường cũ, đã về khuya.
    Như vậy người của khắp phố phường Mỹ Tho xa xưa dù muốn  hay không vào thời điểm nầy vẫn phải nghe đoạn ca từ trong một điệu  nhạc tự biên tự diễn, hay hay không, không cần biết nhưng sao nó thân  thuộc quá, nó gắn bó quá để một buổi chiều nào đó tiếng rao không vang  vang như thường lệ, người ta thấy như đánh mất một cái gì…
    Chị tôi và tôi ngồi học bài trên gác đã chín giờ đêm, vừa gục lên  gục xuống, khi nghe tiếng rao của người bán hàng: "Tào phộng dzang, hộc  dzưa, hộc bíiiii…lây….." chị tôi thúc cùi chỏ, hất mặt bảo tôi:
   - Tao hột bí, mầy ăn cái gì thì ăn.
    Tôi tranh thủ về vấn đề tiền bạc:
   - Tiền?
   - Tao bao.
    Thế là tôi chộp tiền, xuống gác, giong ra lộ đón người bán hàng:
   - A Phò! Bán gói phộng, gói bí đi.
    Người nữ chủ nhân nầy, thím xẩm nầy, người phụ nữ gốc Hoa nầy  không biết đến cái xứ xa lạ nầy từ lúc nào, và làm cái nghề buôn bán nầy  từ lúc nào không ai nhớ, nhưng được mọi người trong thành phố gọi thân  mật là A Phò. A Phò vui vẻ nhìn tôi cười. Tôi nói A Phò cười như vậy là  tôi đoán thôi chớ thật tình mà nói, tôi không biết A Phò cười hay mếu. Năm tháng khổ cực, cuộc đời lam lụ phong sương đã biến đổi người phụ  nữ nầy thành khó đoán được tuổi tác và tình cảm biểu lộ trên gương mặt  nhăn nheo, cằn cỗi do sự tàn phá của thời gian và nghèo cực.
    Tôi hỏi A Phò:
   - A Phò về ngủ hả?
   - Chời lất ơi, còn cả thúng lây, dzề cái dzì…
   - Bán khá không? Ngày lời bao nhiêu?
    Lại nụ cười như mếu, A Phò trả lời:
   - Lâu có khá dzì lâu! Có ngày kiếm lược cắc mấy, có ngày hổng  lược.
   - Con cái A Phò đâu?
   - Ló li làm mướn người ta hết zồiii….
    Tôi trở vào nhà, lên gác học bài, lấy gói đậu phộng ra ăn, nghe  văng vẳng từ xa vọng lại nhỏ dần, nhỏ dần đến khi mất hút trong hư vô: "Tào phộng dzang, hộc dzưa, hộc bíiii…hôngggg…..."


2. Cà lem..cục cục…lâyyy..
    Lúc bấy giờ trẻ con được ăn một ly đá nhận có chế si-rô là “đã”  lắm rồi , nếu thêm một tí sữa bò “con chim” là hết “sẩy”. Thậm chí bỏ  mấy cục đá vào miệng nhai nghe lốp cốp, ê răng thì hẳn nhiên, nhưng  cũng đủ “khoái” lắm rồi. Thế mà một hôm, bỗng nhiên ở khắp các nẻo đường của Thành phố Mỹ Tho lại nghe tiếng rao hàng lạ lùng: "Cà lem cục lây..Cà lem nức dzờ lừng cát lây….Cà lem xi dzô lá  dzớớ ngoon dzẫu len lây …cà lem cục cục…ngoon dzẫu len lây…."
    Tiếng rao hàng lơ lớ của một người Hoa mà lúc bấy giờ người ta  thường gọi là người Tàu, và không biết ai đã phong cho họ một cái thứ  duy nhất là thứ ba. Do đó khi tiếp xúc với bất cứ một người Hoa nào,  người Việt Nam thường gọi là chú, do đó thành chú ba để rồi có một từ  khác nẩy sanh mà chú ba không thích lắm, đó là từ ba tàu.
    Cũng có một giả thuyết là khi người Hoa đến Việt Nam, người Việt chúng ta xem như là khách nên gọi là khách trú, có nghĩa là người  khách đến tạm trú. Người Nam bộ ta thường phát ngôn sao cho dễ dãi dễ  nói dễ nghe nên từ trú trở thành chú, một bước giản dị hóa hơn nữa để  khách trú trở thánh cắc chú.
    Cũng có người cho là người Hoa đến đây là bà con với ta bên nội,  nên ta gọi họ là chú, trong khi đó con cháu họ gọi người lớn Việt Nam  bằng cậu, bỡi vì đa số người Hoa đến đây đều cưới vợ Việt Nam…bà con  bên ngoại mà!
    Trở lại chủ đề cà lem cục cục…
    Trưa nắng, Mỹ Tho vào mùa hè nóng bức, con người thường cởi  trần phe phẩy cái quạt mo, trẻ con ra đường tìm đến bóng cây me, cây dái  ngựa, cây bả đậu…để nô đùa bỗng nghe tiếng rao cà lem cục cục…một đòi hỏi nước mát lạnh cho cơ thể là lẽ tất nhiên:
   - Cà lem!
    Chú bán cà lem cho ngừng chiếc xe…dịch vụ lại bên đường. Thật  ra chỉ là một cái thùng cây hình vuông dài sơn xanh vụng về, trên mặt  thùng có một cái nắp thiếc đậy lên.
    Một cậu bé bỏ cuộc chơi, chạy ra lộ, nhìn chú Tẻeng, chỉ vào cái  thùng:
   - Cài gì vậy?
   - Cà lem mới da lò. Cà lem cục, ngon dzẫu len. Ăn cái dzì? Xi  dzô? Nớc dzừa hả?
   - Nước dừa đi.
    Chú Tẻeng mở nắp thùng ra, từ trong bay ra một luồng hơi nước  lạnh ngắt phả vào mặt làm cho cậu bé nhảy vội ra để tránh. Chú đưa tay  vào thùng lấy ra một ống thiếc hình vuông dài, trút ra từ trong ống đó  một chất đặc màu trắng sữa, lấy dao cắt ra một đoạn cở 6, 7 phân dùng  hai cây tăm ghim lại đưa cho cậu bé rồi xòe tay, nói:
   - Lòng xu!*
    Cậu bé trả tiền, đưa cục cà rem vào miệng cắn, cậu bỗng thốt lên "Trời! lạnh quá!" Nhưng chất đường, chất nước dừa hòa tan cùng với cái  lành lạnh của nước đá, sao mà ngon dữ vậy. Cậu bé nuốt tới đâu, sướng  tới đó. Chú Tẻeng nhìn cậu bé ăn có vẻ thích thú lắm:
   - Ngon dzẫu len hả?
   - Ngon! Bán cục nữa đi! Lá dứa nghen!
   - Ừa! Lá dzớớớ…ngon dzẫu len.
    Chú Tẻeng đẩy xe đi xa, trong khu phố im ẳng buổi trưa của Mỹ
Tho vào hè đã xa lắm rồi, người dân như còn nghe văng vẳng: "Cà lem cục  cục lây… Cà lem nớc dzồ lường cát, lá dzớớ, zi dzôô lây. Cà lem ngon  dzẫu len… Ngon tàng cầu lây… Cà lem cục cục lây…."


Chú thích:Lòng xu là một đồng xu giá trị là 1/100 của 1 đồng  bạc lúc bấy giờ và tính theo đơn vị tiền tệ thông thường cũng là 1/100  của 1 đồng bây giờ.
3.- Kẹo đục.
    Cách nay non thế kỷ, những người đến nay thọ được trên tám  chín mươi, nếu còn minh mẫn thì hẳn không quên kẹo đục.
    Kẹo đục không phải là kẹo kéo, kẹo kéo là hàng sinh sau đẻ  muộn. Lại với kẹo kéo có một cái mùi hơi…tây, còn kẹo đục nó có cái  mùi hơi…ba tàu một chút. Cả hai loại kẹo đều được làm bằng đường tán,  nhưng cách làm có hơi khác, cách trình bày cũng vậy.
    Kẹo kéo thì kéo dài ra rồi bẻ thành khúc. Kẹo đục thì được sắp  trên một mâm bằng thiếc và mỗi lần muốn bán cho khách hàng thì phải  dùng một dụng cụ bằng kim khí giông giống như cái dụng cụ cạo râu bây  giờ nhưng lớn hơn. Người ta cần thêm một thanh sắt gỏ nhẹ lên dụng cụ  kia đã đặt trên phần kẹo muốn lấy. Thửa kẹo được đục ra, gói lại bằng  giấy trao cho khách hàng. Vì vậy gọi là kẹo đục. Còn kẹo kéo phải kéo  dài và bẻ ra được nên gọi là kẹo kéo. Đơn giản vậy thôi.
    Lúc bấy giờ, người Việt Nam ta thường dùng đường tán, vẫn là đường mía, chế biến theo lối thủ công, đổ trong khuôn, đợi khô, trút ra có  dáng dấp như trái thận heo, sản xuất từ các vùng xưa kia có trồng nhiều  mía như Đức Hòa, Đức Huệ, Trảng Bàng… Đường tán có vị ngọt và  thơm đặc trưng của nó.
    Sáng sớm chú Thòong dậy sớm lui cui nhúm lửa để thắng đường. Với kinh nghiệm lâu đời, chú dùng bao nhiêu đường, bao nhiêu nước, lửa  củi lớn nhỏ ra sao nhất là với bí quyết nhà nghề chú có bỏ thêm một chất  gì đó cho kẹo thêm dòn, thao trong miệng, đúng mùi kẹo đục. Kẹo tới,  chú đổ vào một cái mâm tròn, có thành cao cở 1 tấc, đợi nguội, dùng một  tấm vải trắng sạch phủ lên, không quên đem theo dụng cụ cần thiết như  cây đục, giấy gói kẹo cho khách hàng và một….cái lon trái vải để đựng  tiền.
    Chú dùng một cái khăn lông xây tròn như cái rế để nồi. lót trên đầu trước khi dùng hai tay đưa mâm kẹo lên đội. Chú ra đường một đổi,  hai tay không cần vịn vào thành mâm kẹo nữa mà cầm cây đục kẹo và  cây gỏ để ….gỏ gọi khách.
    Tiếng gỏ kẹo đục khác với tiếng gỏ hủ tíu. Tiếng gỏ kẹo bằng hai  thanh sắt nên giọng trong và cao, một tiết điệu khá vui vẫn có trường  canh nhất định. Chú Thòong với tư thế như vậy nhưng đi khá nhanh,  cùng với tiếng kẻeng, kẻeng, kẻeng    làm cho khu phố sống động hơn.
   - Kẹo đục!
    Chú Thòong đáp lại lời gọi hàng của một thân chủ trung thành.
   - Kẹo lục lây! Lòng xu hả?
    Vừa nói chú vừa lấy cái ghế xếp mở ra để trên lộ và đặt lên trên  mâm kẹo.
   - Nửa xu đi! Câu bé đáp.
   - Chời lất ơi, mới mửa hàang mà…
   - Ờ thôi, đồng xu đi! Bửa nay chú đi sớm vậy?
   - Làm sóm li sóm làm chễ đi chễ…Thum hoong?
   - Thơm!
    Cậu bé móc túi lấy ra một đồng xu đưa cho chú, chú cầm lấy,  theo thói quen chú tung đồng xu lên cao rồi bắt lấy thảy vào cái lon, vang  lên rộn rã tiếng lẻng kẻng, lẻng kẻng…Cậu bé hỏi:
   - Ế hả?
   - Mới ra bán mà, nị mở hàang ló. Lừng có chù ẻo ngộ chớơơ…
   - Thôi bán đắt nghen chú Thòong…..
    Chú Thòong đi xa, khu phố còn văng vẳng âm thanh kẻeng kẻeng  quen thuộc của tiếng rao hàng kẹo đục của chú Thòong. Còn cậu bé lại  có một kỷ niệm khác về chú. Số là mỗi lần chú Thòong thẩy đồng xu vào cái lon trái vải, mà nếu nghe tiếng cạch cạch là chú bán đắt, còn nghe  tiếng lẻng kẻng nhiều lần là chú bán ế, vì trong lon không có nhiều  xu…(thùng rỗng kêu to mà!).
    Chỉ có chú Thòong và chú bé thân chủ trung thành nầy, cả hai  cùng nhau đồng cảm được niềm vui buồn khi nghe tiếng kêu lẻng kẻng  hay cạch cạch, của cái lon trái vải của chú Thòong bán kẹo đục ở đất Mỹ
Tho nầy, cách nay non thế kỷ.
                                                Lược trích trong tác phẩm biên khảo MỸ THO XƯA (1861-1945) TRONG NAM KỲ LỤC TỈNH
                                                                          Tác giả: Mặc Nhân TVC    
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Go to Top